Gió lại xoay chiều Loạn_An_Sử

Họa trong nhà Sử Tư Minh

Sử Tư Minh thắng lớn, thừa thế mang quân đánh Thiểm châu. Nhưng quân Đường ở Thiểm châu dưới quyền Ngư Triều Ân và Vệ Bá Ngọc phòng thủ khá vững vàng, quân Yên do Khang Văn Cảnh tấn công mấy lần đánh không thắng được. Sử Tư Minh bèn lui về Vĩnh Ninh[69]. Ông sai con lớn là Sử Triều Nghĩa mang quân đi xây một toà thành hình tam giác để trữ lương, hẹn rõ ngày hoàn tất.

Triều Nghĩa xây xong thành nhưng chưa trát bùn, đúng lúc Sử Tư Minh đi kiểm tra, rất giận dữ. Sốt ruột vì chưa làm xong, ông sai mấy chục thủ hạ đi cùng xuống ngựa, lấy bùn trát lên tường, một chốc đã làm xong. Ông giận mắng và dọa trị tội Triều Nghĩa sau khi hạ được Thiểm Châu.

Nguyên Sử Tư Minh ngày thường yêu đứa con nhỏ là Sử Triều Thanh, định lập làm thái tử. Triều Nghĩa dù lớn tuổi nhưng không được cha yêu, nay nhân việc đó, lo sợ bị trị tội, bèn nảy ý giết cha[70].

Đêm hôm đó Sử Tư Minh trở dậy đi ra nhà tiêu, vừa lúc Sử Triều Nghĩa sai người hành thích. Tư Minh nghe động, bèn trèo tường nhảy ra, lấy được một con ngựa định phóng đi trốn, nhưng quân Triều Nghĩa bắn theo, ông bị trúng một phát tên ngã ngựa. Sau đó quân Triều Nghĩa lao tới chém chết Tư Minh.

Thất bại của Sử Triều Nghĩa

Đường Đại Tông, vị vua chấm dứt loạn An Sử

Sử Triều Nghĩa giết cha, lại giết luôn mẹ con Sử Triều Thanh, tự xưng là Yên Đế. Phạm Dương rơi vào tình trạng tàn sát nội bộ, mấy ngàn người bị giết, không yên ổn trong một thời gian. Các Tiết độ sứ trong chính quyền Yên tự ban hành chính lệnh trong vùng mình quản lý, chỉ còn ràng buộc về danh nghĩa với Sử Triều Nghĩa. Mặc dù chính quyền Yên quản lý khắp Hà Bắc và Hà Nam – cơ nghiệp do Sử Tư Minh để lại – nhưng thực lực ngày càng suy mòn[71].

Năm 762, Đường Túc Tông và thượng hoàng Huyền Tông đều qua đời. Thái tử Lý Dự lên nối ngôi, tức là Đường Đại Tông.

Năm đó, sau khi củng cố lại lực lượng, Đường Đại Tông quyết định ra quân đánh Yên. Do Đại Tông vẫn không có ý tin tưởng Quách Tử Nghi, còn Lý Quang Bật vừa thua trận bị giáng chức nên Đại Tông không để hai tướng này ra quân. Ông cử Ung vương Lý Thích làm Binh mã đại nguyên soái, Bộc Cố Hoài Ân làm Tiết độ sứ hành doanh phương bắc, cùng Quách Anh Nhân ra trận.

Ngay tháng 6 năm 762, quân của Sử Triều Nghĩa bị Duyện Vận Tiết độ sứ Điền Thần Công đại phá.

Bị thua trận, Sử Triều Nghĩa tìm cách lôi kéo sự ủng hộ của Khả hãn Hồi Hột, vốn là đồng minh của nhà Đường. Đại Tông cũng sai Lưu Thanh Đàm đến thiết lập lại liên minh với Hồi Hột[72], nhưng bị Đăng Lý Khả hãn hạ nhục. Thanh Đàm từ Hồi Hột gửi thư về báo rằng Hồi Hột đã chuẩn bị 10 vạn quân, nhân lúc Đại Tông mới lên ngôi, chính trị còn chưa ổn mà kéo về Trường An, toàn thành Trường An đều lo sợ. Đại Tông sai Bộc Cố Hoài Ân đến chiêu dụ. Đăng Lý lại là con rể của Hoài Ân[73], bèn đổi ý, chấp nhận lập lại liên minh với Đường để chống quân Yên. Đáp lại, Đại Tông sai Ung vương Thích đến Thiểm châu định ước với Hồi Hột. Sau đó, Đại Tông lệnh cho Bộc Cố Hoài Ân thống lĩnh các đạo quân phía bắc, Hà Đông, cùng tướng Hồi Hột là Tả Sát được cử làm tiên phong thống lĩnh liên quân hai nước, cùng các tướng là Tiết độ sứ Thiểm Tây Quách Anh Nghệ, Tiết Độ sứ Lộ Trạch Lý Bão Ngọc, hoạn quan Ngư Triều Ân, đưa quân từ các nơi tiến công Lạc Dương của Yên.

Tháng 10 năm 762, quân Đường tiến đánh Lạc Dương. Sử Triều Nghĩa quyết định tử chiến ở Lạc Dương thay vì tạm lui về Hà Dương theo đề nghị của chư tướng. Hơn 60.000 quân Yên bị giết và hơn 20.000 người bị bắt. Thất bại nặng nề, Triều Nghĩa đành phải bỏ trốn khỏi Lạc Dương, chạy về phía đông. Bộc Cố Hoài Ân sai Bộc Cố Sướng cùng Cao Phụ Thành hơn vạn quân mã truy kích, Triều Nghĩa lại chạy sang Bộc châu. Quân Hồi Hột nhân cơ hội vào Lạc Dương đã thẳng tay cướp bóc và chém giết người dân, khiến Đông Đô trở nên hoang tàn.

Sử Triều Nghĩa liên tiếp thất bại, cuối cùng chạy đến Vệ châu, hợp quân với Tiết độ sứ Tuy Dương Điền Thừa Tự, nhưng cũng thua nốt.

Sang tháng 1 năm 763, các Tiết độ sứ nước Yên thấy Triều Nghĩa thất thế nên lần lượt phản Yên, trở lại hàng nhà Đường, như Trương Hiến Thành, Tiết Tung, Trương Trung Chí (sau Đại Tông đổi tên thành Lý Bảo Thần)[74], Điền Thừa Tự, Lý Hoài Tiên, Tiết Bão. Đại Tông theo đề nghị của Bộc Cố Hoài Ân, hạ lệnh giữ nguyên chức vị của các Tiết độ sứ này và vẫn cho họ cai quản các trấn ở phía bắc.

Sử Triều Nghĩa bị quân Đường truy kích, bỏ chạy hết nơi này tới nơi khác nhưng đều bị các thủ hạ phản lại không dung nạp. Triều Nghĩa không còn đường dung thân, định chạy lên phía bắc đầu hàng Khiết Đan. Trong khi chạy, Triều Nghĩa bị thủ hạ cũ là Lý Hoài Tiên mới đầu hàng nhà Đường mang quân đuổi theo[49].

Triều Nghĩa trốn vào khu rừng rậm ở sách Ôn Tuyền cạnh thành Thạch Đầu[75], vẫn bị Hoài Tiên truy riết. Triều Nghĩa biết không còn đường thoát, bèn treo cổ tự vẫn trong rừng. Lý Hoài Tiên tìm được xác Sử Triều Nghĩa, chặt đầu nộp Bộc Có Hoài Ân, Hoài Ân mang về kinh đô Trường An dâng Đường Đại Tông.

Triều Đại Yên diệt vong. Loạn An Sử kéo dài 8 năm chấm dứt.